Cung điện cao nhất thế giới hay di sản văn hoá nhân loại duy nhất ở độ cao nhất thế giới. Bạn có thể chiêm ngưỡng và thăm cung điện khi du lịch Tây Tạng.
Không ngạc nhiên khi mỗi ngày nơi đây vẫn luôn nườm nượp du khách khắp nơi trên thế giới đổ về du lịch Tây Tạng bất chấp độ cao 3800m so với mực nước biển khiến du khách say choáng độ cao đứ đừ, rồi còn phải đi bộ ngược lên đồi qua hàng trăm bậc tam cấp và những lối đi lát đá đã mòn nhẵn vì thời gian và dấu chân người. Ai không quen sẽ thấy nhức đầu choáng váng khó thở, nhưng bù lại mỗi bước chân leo dần lên cung điện linh thiêng ấy.
Potala ko có sự lộng lẫy rực rỡ điệu đà như các cung điện châu Âu, nhưng những bức tường thô ráp như thành quách ấy -mà có những nơi dày đến mấy sải tay người - lại chứa đựng 1 kho tàng vô giá về những gì nó chứa đựng bên trong. Potala không chỉ đẹp, hoành tráng như nhiều cung điện nổi tiếng khác trên thế giới, mà Potala còn đẹp vì điều khác biệt lớn nhất, khi chứa ẩn tất cả sự huyền bí linh thiêng bên trong nó.
Du lịch đến Tây Tạng ,một giờ đồng hồ không thể nào đủ để người ta có thể tham quan hết toàn bộ cung điện. Không thể nào đi hết 1000 căn phòng được xây dựng và hoàn tất nó cách đây hơn 6,7 trăm năm. Hẳn nhiên, vì thời gian hạn hẹp và vì rất nhiều nơi không cho phép khách tham quan. Không thể nào đếm hết các hoạ tiết kiến trúc, các hoa văn trang trí tuyệt đẹp đậm màu sắc Tibet bên trong cung, trên từng bức tường, trần nhà, cột gỗ, bàn ghế, bàn thờ...
Cũng như ko thể nào nhớ hết hàng chục ngàn tượng Phật, tranh Thangka lớn nhỏ khác nhau, mà bức tranh, tượng nào cũng tuyệt đẹp, du khách nhìn thấy dù không cùng tôn giáo cũng phải thốt lên trầm trồ rằng người Tây Tạng xưa quả khéo tay mà tạc dựng những bức tượng Phật mà khi được chiêm bái, tôi nghĩ bạn sẽ cũng như tôi, vừa ngưỡng mộ nghệ nhân vừa kính phục đấng tâm linh đang hiển hiện bằng nhiều hình tướng khác nhau trước mắt mình. Cảm thấy mình nhỏ bé và những chuyện huyền bí, năng lực diệu kỳ của Phật trời, Chư Thiên với đời sống này là điều có thật. Ít ra là giữa các không gian của Potala và các tu viện khác ở xứ sở băng tuyết này.
Mỗi ngày, cung điện chỉ mở cửa từng đợt. Một đợt tham quan chỉ gói gọn trong vòng 1 tiếng kể từ khi bạn hoàn tất thủ tục kiểm tra an ninh lần thứ 3. Thời gian xếp hàng chờ tới lượt được kiểm tra an ninh gắt gao cũng mất trung bình khoảng 1 tiếng nữa. Việc chụp hình cũng chỉ được phép ở các hành lang, khoảng sân bên ngoài các toà Hồng Cung và Bạch Cung. Việc này rất nghiêm, bạn có thể bị tóm bất cứ lúc nào nếu ngoan cố tìm cách chụp ảnh.
Cung điện hoành tráng sừng sững trên quả đồi ngay trung tâm thủ đô Lhasa của Tây Tạng này, từng là trung tâm Phật giáo, trung tâm chính trị và tâm linh của Tây Tạng, nơi sinh sống của rất nhiều Đạt Lai Lạt Ma này hiện tại chỉ có khoảng 25 nhà sư. Với sự tháp tùng và chăm sóc của khoảng một trăm mấy chục lính Trung Quốc chưa kể các lực lượng mặc thường phục và hàng trăm camera an ninh theo dõi chặt chẽ các "công dân trong suốt " Trung Quốc, những người Tạng và du khách 4 phương.
Trong những dòng người dài dằng dặc xếp hàng trước cung điện chờ được vào xem ấy, có không ít người Tạng. Rất dễ để nhận ra họ, với phục trang và vòng xoay kinh luân kiên trì nhẫn nại chờ trong nắng để tới phiên mình bước chân vào một trong những nơi quan trọng nhất về tâm linh của người Tạng. Nơi đã từng là của họ. Không ít người đứng bên vòng ngoài cùng cung điện, tức trên các con phố bao quanh Potala để tiến hành nghi thức bái lạy ngũ thể nhập diện. (hình như bên trong cung điện, dù chỉ là ở các khoảng sân, điều này ko dc chính quyền Trung Quốc cho phép ? ).
Họ bái lại cho những niềm tin, khi những căn phòng, chốn sinh hoạt làm việc của các Lạt Ma - những vị Phật sống của người Tạng giờ chỉ còn là những phòng có tính "trưng bày lưu niệm". Khi mà người dân Tibet vẫn phải buộc lòng "công nhận"vị Lạt Ma trẻ do Bắc Kinh dựng lên những năm qua trong khi lòng vẫn vọng ngóng theo từng lời huấn thị của Đức Lạt Ma 14 đang sống lưu vong trọn đời bên ngoài Tây Tạng.
Tôi không lý giải được. Nhưng nhìn vào mắt họ, những động tác bái lạy của họ, tôi hiểu có những điều mà không nhất thiết phải nói ra.
Tác Giả: Nhà Báo Lê Minh Hạ
admin biên soạn cho phù hợp trang bài