JERUSALEM: ĐẤT THÁNH LINH THIÊNG CỦA BA TÔN GIÁO
Chỉ cách Tel Aviv, thủ đô của Israel chừng 1 tiếng đi xe nhưng Thành cổ Jerusalem lại mang đến một cảm giác hoàn toàn khác so với sự vội vã, nhộn nhịp của thành phố. Với những mê cung nối liền, tưởng chừng không tìm được lối ra nếu như lỡ bước lầm vào một con ngõ bất kỳ, nơi đây quy tụ Thánh địa của ba tôn giáo gắn liền với sự thịnh suy của vùng Trung Đông trong suốt gần 3000 năm, là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.
Đến Jerusalem, du khách sẽ được trở về thuở hồng hoang, sơ khai của những tôn giáo có lịch sử nghìn đời…
Nhà thờ Mộ Thánh - Nơi dừng chân cuối cùng của Chúa
Ngày hè chói chang năm ấy, sau khi đi qua cổng Jaffa (cửa chính của thành cổ Jerusalem), đoàn lữ khách chúng tôi tìm đến Nhà thờ Mộ Thánh - vùng đất linh thiêng được tôn kính, và là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, chịu chết và phục sinh sau 3 ngày.
Để bước vào Thánh địa của Kitô giáo, du khách chỉ có thể đi qua một cánh cửa duy nhất nằm ở phía Nam công trình. Là kết tinh của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ Byzantine đến Gothic, toàn thể công trình, với các chi tiết thi công tỉ mẩn và nghệ thuật của Nhà thờ Mộ Thánh thật sự lấp đầy tất thảy mọi giác quan của đoàn lữ khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điển hình là bề mặt bên trong mái vòm khổng lồ, chứa đựng vô số bức phù điêu được tạo tác kỳ công, miêu tả những khoảnh khắc linh thiêng trong Kinh Thánh.
Bất cứ ai có lòng tin nơi Thiên Chúa khi đến đây đều khao khát được đặt tay lên Tảng đá xức dầu - nơi đặt thi hài Chúa Jesus để chuẩn bị địa táng. Tương truyền, vì tiếc thương Chúa Jesus, những nữ tu sĩ đã đến túc trực ngày đêm để xức dầu cho thi hài của Ngài. Về sau, khi Chúa đã phục sinh, họ vẫn tiếp tục rải nước hoa hồng lên Tảng đá trong suốt nhiều năm, làm cho thánh vật này phảng phất hương hoa đến tận bây giờ. Nghe đến đây, đoàn lữ khách chúng tôi không ai bảo ai, cùng cố gắng điều hòa hơi thở, và hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi hương đặc biệt nơi đây.
Kỳ diệu là vậy, nhưng nơi “giữ chân” đoàn lữ khách lâu nhất lại là Edicule, hay còn được biết đến là công trình kiến trúc bao quanh mộ phần chúa Jesus, nằm ở trung tâm nhà thờ. Cứ vào độ tháng Tư mỗi năm, ngay tại vị trí này, hàng triệu tín đồ từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về đây, để thắp lên ngọn nến được đốt bằng lửa thiêng, cùng khấn nguyện và đọc Kinh Thánh.
Tọa lạc ở phía đông thành cổ Jerusalem, Đền thờ Dome of the Rock hớp hồn đoàn lữ khách bởi kiến trúc hùng vĩ và độc đáo, với mái vòm dát vàng hình cầu khổng lồ, lấp lánh trong nắng. Song, điều khiến người ta khao khát được chiêm ngưỡng hơn cả khi đặt chân tới nơi đây là “tảng đá thánh” đang nằm bên trong đền thờ - nơi lưu dấu niềm tin của hàng triệu tín đồ Hồi giáo, rằng nhà tiên tri Muhammad đã cưỡi ngựa tiên bay lên thiên đàng. Còn với người Do Thái, họ sẵn sàng dành cả buổi trời để kể bạn nghe truyền thuyết Abraham đã trói và đặt con trai mình là Isaac lên tảng đá để hiến tế cho Thượng đế.
Để khám phá công trình hơn 2000 năm tuổi, được xây dựng lần đầu vào khoảng năm 690 TCN này, chúng tôi phải len lỏi qua những con đường cổ, đơn sơ và phẳng lặng hướng về cổng Dung Nham. Rồi từ cổng Dung Nham, đoàn tiếp tục đi bộ thêm 5 - 10 phút nữa trong câu chuyện lịch sử ly kỳ của cậu bạn HDV. Trước khi được biết đến như một tượng đài độc đáo của Hồi giáo, đền thờ từng bị phá hủy trong cuộc vây hãm Jerusalem của đội quân Đông La Mã vào năm 70 SCN, sau đó được tái thiết vào thời kỳ Ottoman, và trải qua rất nhiều lần trùng tu trong hàng thế kỷ, bao gồm thế kỷ 16, 18, 19 và 20.
Vượt qua bao biến động, giờ đây, Dome of the Rock - nơi được xem là Thánh địa Hồi giáo, lại gây ấn tượng với du khách bởi cấu trúc hình bát giác đồ sộ, mang đậm dấu ấn của kiến trúc Byzantine cùng mái vòm được dát đến 80 kg vàng và cao 35 mét. Đặt chân đến thành cổ Jerusalem, dù đứng ở đâu bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy đền thờ Dome of the Rock sừng sững riêng một góc trời. Còn khi đến gần, thứ khiến chúng tôi trầm trồ không ngớt là bức tranh khảm được tạo nên từ 45.000 viên gạch men màu xanh và vàng. Màu xanh da trời tượng trưng cho sự vô tận, trong khi màu vàng gợi nhớ đến kiến thức về Allah - Thượng đế của người Hồi giáo.
Dù là một công trình tôn giáo, Dome of the Rock vẫn khiến người ngoại đạo cảm nhận được những xúc cảm mạnh mẽ chảy trôi trong lồng ngực ngay từ khi đi qua cánh cửa dẫn vào nhà thờ. Bên trong phần mái vòm dát vàng nổi danh, người ta khảm cơ man là đá, sứ và cẩm thạch lộng lẫy. Và chỉ chờ đến khi mặt trời lên cao, đúng theo tính toán của những kiến trúc sư vĩ đại, ánh sáng rực rỡ, phản chiếu đá quý mái vòm sẽ cộng hưởng với ánh nắng tự nhiên rọi sáng toàn bộ thánh địa. Và khác với Mộ Thánh của chúa Jesus, tảng đá thiêng bên trong Dome of the Rock - thứ nâng bước nhà tiên tri Muhammad lên thiên đường chỉ được để lộ ra một phần nhỏ để các tín đồ Hồi giáo đến chiêm bái và cầu nguyện. Trong khi đó, phần lớn còn lại được bao quanh bởi một lan can đá cẩm thạch.
Thế nhưng, đấy chưa phải là hết, bởi cách đó không xa, vẫn còn đó những bậc thang hun hút dẫn xuống một hang động ẩn sâu trong lòng đất - nơi có Giếng Linh hồn đang tỏa ra tinh thần tôn giáo nồng đượm, như để thôi thúc đoàn người hành hương đến khấn nguyện, thở than những khúc mắc trong lòng…
Bức tường Than khóc - Linh hồn của người Do Thái
Tiếp tục cuộc hành trình ở vùng đất thiêng Jerusalem, đoàn lữ khách từ tốn men theo con đường nhỏ, bên cạnh những tán cây bạch đàn thẳng tắp dọc sườn đồi, tìm đến gần khu phố cổ. Càng về trưa, mặt trời càng đỏng đảnh, nóng nảy khiến vầng trán ai nấy cũng đẫm mồ hôi. Có lúc thấm mệt, cả đoàn phải dừng lại uống ngay một ngụm nước thật to, nhất là các bạn lần đầu leo dốc, thở phì phò trông đến là thương! Song chỉ vài phút sau, đôi chân ai nấy lại thoăn thoắt tiến về phía trước, bởi chỉ một chút nữa thôi, chúng tôi sẽ được tận mắt nhìn thấy và đặt tay lên Bức Tường Than Khóc - Thánh địa cuối cùng ở thành cổ hơn 2000 năm tuổi.
Có lẽ chúng ta phải chờ thêm một lúc nữa!
Giọng của Thanh (cậu bạn HDV đồng hành) vọng lên từ cuối hàng khi cả đoàn vừa đến nơi, làm tôi thoáng giật mình. Thật khó mà tưởng tượng, dòng người đến chiêm bái Thánh địa này lại đông như thế! Chiều dài cả bức tường xấp xỉ 149 mét, nhưng dòng người đứng đối diện nó và cầu nguyện gần như ken đặc, và chỉ loáng thoáng vài chỗ trống.
Lác đác trong đó, có người còn mang theo ghế tựa, đặt đối diện với tường Thánh, và rồi thản nhiên ngồi xuống nỉ non nỗi lòng, mặc cho cái nắng quá Ngọ như thiêu như đốt. Nhưng, dù cho đang đứng hay ngồi, phía phụ nữ hay đàn ông, tất cả các tín đồ đều chắp tay, đầu cúi thấp đầy thành kính. Và rồi một lát sau, khi chuẩn bị rời đi, họ sẽ thành tâm viết ước nguyện của mình vào một mảnh giấy, sau đó nhét vào kẽ hở của khối đá nặng ước tính 70.000 tấn với niềm tin mãnh liệt rằng Thượng đế sẽ lắng nghe và chứng giám cho tấm lòng của họ.
Dẫu vẫn biết Jerusalem sở hữu hằng hà sa số tàn tích lịch sử, nhưng Bức tường Than Khóc lại đặc biệt theo một cách rất riêng, bởi đây là mảnh tường duy nhất còn sót lại của Đền thờ Do Thái thứ nhất, do Vua Solomon xây dựng vào thế kỷ thứ 10 TCN. Thời gian sau, vào năm 70, khi quân La Mã tràn vào đánh chiếm, ngôi đền nguy nga đã bị phá hủy hoàn toàn và người Do Thái cũng bị cấm đến Jerusalem thờ phụng. Vậy nên giờ đây, đối với người Do Thái, việc được nhìn thấy và chạm vào những viên đá sa thạch của Bức tường Than Khóc là một trải nghiệm cực kỳ xúc động, thiêng liêng và mạnh mẽ. Vì hơn cả một sự kiện đặc biệt trong đời, đây là ngày họ được trở về quê hương, xứ sở của cha ông, tiên tổ cách nay hơn hai thiên niên kỷ.
Còn với chúng tôi - đoàn lữ khách băng qua vạn dặm đường để ghé thăm Thánh địa, cảm nghiệm về vùng đất lịch sử hoà quyện với tâm linh nhiệm màu sẽ luôn là kỷ niệm khó quên trong những ngày bản thân còn son trẻ. Để rồi, nhiều năm về sau, khi mái tóc đã bạc, đôi chân đã run, ký ức về Jerusalem - nơi mỗi con đường, bức tường, thớ đá,... đều ẩn chứa những xúc cảm sâu dày sẽ trở thành tài sản vô giá…