TÂY TẠNG, VÙNG ĐẤT KHÔNG THỂ MÔ TẢ BẰNG LỜI
Dành tặng cho ai đã, đang, và sẽ nhen nhúm ước muốn du lịch Tây Tạng - nơi tớ đến để thực hiện mơ ước đón sinh nhật lần thứ 39 tại trại nền Everest. Dài lắm, cứ nhẩn nha mà đọc thôi nhé các bạn.
Cách đây vài năm khi tình cờ đọc được mấy câu trên trong tác phẩm “Con đường mây trắng” của tác giả Anagarika Govinda (một người đã sống nhiều năm và tu tập thiền định khắp Tây Tạng), tôi đã bị trí tò mò thúc giục một cách mạnh mẽ rằng sẽ có ngày mình chắc chắn phải đến xứ sở huyền bí này để chiêm nghiệm! Và rồi vào những ngày đầu thu tháng 9 vừa qua, tôi đã thực sự đặt chân đến miền đất được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” ấy.
Sau một đêm hoàn toàn không chợp mắt, đầu nặng trĩu vì bị ảnh hưởng độ cao, tôi bước ra khỏi đoàn tàu hoả chạy từ Tây Ninh (thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) đến Lhasa – thành phố lớn nhất của Tây Tạng giữa ánh nắng gay gắt buổi trưa. Nhà ga Lhasa rất lớn và đông đúc, nó dễ khiến du khách thấy choáng ngợp vì vẻ hiện đại nếu đã trót hình dung Tây Tạng toàn là thảo nguyên và núi non ban sơ.
Anh hướng dẫn viên du lịch người Tây Tạng đón tôi ở cổng ga với nụ cười hiền hậu, khẽ choàng chiếc khăn lụa trắng lên cổ tôi để chúc lành theo phong tục địa phương. Giữa một nơi hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ khác biệt và nhiều điều cần khám phá, dải lụa trên cổ khiến tôi thấy lòng mình vừa ấm áp dịu lại, vừa dâng lên sự háo hức cho những ngày sắp tới.
Những đền đài, tu viện cổ kính và đức tin mãnh liệt
Tôi bắt đầu chuyến đi từ Lhasa, nơi này hiện đã na ná với một đô thị nào đó của Trung Quốc trừ khu phố trung tâm vẫn giữ được kiến trúc theo phong cách Tạng. Hai ngày ở đây cho quen độ cao, tôi dạo quanh mấy con phố Barkhor và Da Jie Lin đầy ắp đồ lưu niệm rồi đến thăm cung điện cao nhất thế giới Potala (trước là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma – người đứng đầu cả về tôn giáo và chính trị của Tây Tạng - cùng hàng ngàn tăng sĩ). Potala ngày nay vẫn nguy nga trên đồi cao nhưng đang sống một đời sống khác hẳn so với thời hoàng kim của nó.
Cung điện 13 tầng gồm hai khu vực chính là Bạch Cung và Hồng Cung hiện tồn tại như một bảo tàng đầy ắp những cổ vật quý giá, trong đó có phần mộ bằng vàng của một số Đạt Lai Lạt Ma. Cách Potala không xa là cung điện mùa hè NorbulingKa với lối kiến trúc giản dị hơn hẳn, nhẹ nhõm và hài hoà giữa các khu vườn đầy ắp hoa lá. Ở độ cao gần 3.700 mét, mới đầu tháng 9 mà nhiều tán cây đã bắt đầu chuyển sang màu vàng óng ả. Sắc vàng của lá, của những mảng tường bao quanh các cung điện tương phản với màu xanh ngăn ngắt của bầu trời như muốn mang cả mùa thu đến dâng tặng cho những kẻ lãng du.
Du lịch Tây Tạng, và đến Lhasa, không ai có thể rời đi mà chưa ghé thăm đền Jokhang (Đại Chiêu tự), nơi được coi như khởi nguồn trong lịch sử hình thành của đô thị này. Đền Jokhang được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 là một toà kiến trúc gồm có 4 tầng, mái mạ vàng với tổng diện tích khoảng 25.000 mét vuông. “Trái tim” của đền là bức tượng thiêng liêng nhất Tây Tạng - Đức Phật Thích Ca (người Tạng gọi là Jowo Rinphoche). Ngay từ phía ngoài đền, tôi đã bắt gặp những người Tạng với đức tin hiển hiện trong ánh mắt vừa đi vừa chú tâm tụng kinh. Nhiều người dẫu cao tuổi vẫn thành tâm thực hiện việc chiêm bái hàng trăm, thậm chí cả ngàn lần theo kiểu “ngũ thể nhập địa” (đứng thẳng chắp tay trên đầu vái rồi nằm rạp xuống đất). Tôi bước vào đền, chầm chậm đi trong ánh sáng mờ tỏ hắt lên những bức tranh tường được vẽ tay kể lại các câu chuyện tôn giáo, lặng lẽ ngắm vô số tượng Phật dù không thể nhớ nổi khuôn mặt và danh xưng của các vị. Không khí trong đền đặc quánh mùi nến cháy béo ngậy từ bơ bò Yak đựng trong các lư đồng lớn. Và rồi Jowo Rinpoche huyền thoại đã ở ngay trước mắt tôi. Đó là bức tượng Phật tuyệt đẹp đầu đội vương miện khảm đá quý lộng lẫy trên khuôn mặt vàng sáng óng, ánh mắt bao dung nhìn xuống nhân gian cùng nụ cười mỉm nhẹ nhàng. Ngay cả với kẻ ít hiểu biết về tôn giáo như tôi mà lúc này bỗng thấy lòng tràn ngập sự bình an khi có duyên được chiêm ngưỡng Jowo. Còn với mỗi người Tạng, hành hương về đền Jokhang đảnh lễ là tâm nguyện cháy bỏng của đời họ dù có phải trải qua những tháng ngày dầm mình trên các nẻo đường quanh co nắng gắt và tuyết lạnh.
Mấy ngày tiếp theo tôi còn đi thăm nhiều tu viện khác như Drepung và Sera ở ngoại thành Lhasa, rồi Ta Shi Lhun Po ở Shigatse – thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng. Hiện nay, số lượng tu viện và tăng sĩ đã bị giảm đi đáng kể theo chính sách quản lý mới, cuộc sống của họ cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn nhưng một số thói quen cũ rất độc đáo vẫn được gìn giữ. Tôi may mắn đến tu viện Sera vào giờ các vị sư thực hiện màn tranh biện (debate) về kiến thức tôn giáo, triết học và nhân sinh... Giữa khu vườn xanh mát có rất đông du khách hiếu kỳ ngồi trật tự vòng quanh, các vị sư sắm vai người hỏi giơ tay lên cao đoạn vỗ xuống đen đét như tập võ mỗi khi thử thách đối phương, còn người bị hỏi cố gắng nhanh nhảu trả bài. Không khí trong vườn trở nên sinh động đối lập hẳn với vẻ tĩnh mịch vốn có của tu viện. Các vị sư không phân biệt già trẻ gương mặt bừng bừng lửa nhiệt tình, như thể niềm tin của họ và của người Tạng sẽ còn mãi bất kể đền đài hay tu viện có mai một theo thời cuộc và tháng năm.
Bức tranh thiên nhiên rạng rỡ cho những tâm hồn khoáng đạt
Toàn bộ diện tích Tây Tạng nằm trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) với những ngọn núi cao nhất thế giới quanh năm tuyết phủ. Không khí khô loãng, ánh nắng trong veo, những đụn mây trắng xốp như đứng yên và bầu trời xanh thăm thẳm là đặc trưng mà bất cứ ai cũng ngay lập tức nhận ra khi đến đây. Dù núi non trùng điệp và các điểm đến đều dao động ở độ cao 4 – 5.000 mét nhưng nhờ đường sá quá tốt nên thực ra du khách chỉ phải quan tâm đến...chuyện thở của mình. Quả thực, ở độ cao này, áp suất không khí và mức oxy đều giảm khiến những ai chưa quen rất dễ bị đau đầu và thở gấp. Tôi cũng không ngoại lệ!
Thế nhưng khi đã điều chỉnh được nhịp thở của mình thì thỉnh thoảng tôi vẫn bị vẻ đẹp của những cung đường làm cho loạn nhịp. Từ thành phố đến nông thôn, từ bình nguyên bát ngát được núi non ôm ấp đến các khúc cua hiểm trở trên rẻo cao, Tây Tạng như một bức tranh thiên nhiên sắc nét, rạng rỡ mà tạo hoá “đo ni đóng giày’ cho những tâm hồn khoáng đạt. Đặc biệt, đây còn là nơi khởi nguồn của những con sông lớn của châu Á như sông Hằng, Dương Tử, Hoàng Hà, Mekong...
Đầu thu trời se se lạnh, nắng gió như hát trên các cánh đồng hoa cải nở vàng và lúa mì chín trĩu bông. Chúng tôi dừng xe để chụp ảnh thật gần đàn bò Yak lông dài gặm cỏ. Chúng góp sức cày kéo cho nhà nông, phân khô để đốt lò sưởi ấm, là nguồn thức ăn chính cho người và bơ cho những ngọn nến không bao giờ tắt trong hàng ngàn đền đài, tu viện.
Chặng đường đến với hai hồ thiêng là Yamdrok và Namtso tuy mất cả ngày đường trên xe nhưng tôi không thấy xa bởi thú vui thưởng thức cảnh sắc hai bên đường. Không quá khi nói rằng những cung đường ở Tây Tạng phải được xếp hạng vào nhóm đẹp nhất thế giới bởi những phượt thủ khó tính nhất. Và hồ Yamdrok hay Namtso, bên cạnh sự thiêng liêng trong tâm thức của người bản xứ quả thực rất xứng đáng với các mỹ từ “ngọc lam”, “pha lê” hay “giọt nước mắt của trời”...mà người người dành tặng. Một lần tĩnh tâm thu vào mắt dải lụa xanh Yamdrock mềm mại trải dài hàng chục cây số hay ngồi đợi hoàng hôn che phủ rặng núi tuyết bao quanh Namtso – hồ nước mặn cao nhất thế giới, đó hẳn là trải nghiệm để đời với bất kỳ du khách nào.
Núi vẫn ở đó thách thức lòng kiêu hãnh của con người
Nếu đủ sức khoẻ, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đến với công viên quốc gia Chomolangma (tức ngọn núi Everest lừng lẫy). Tất nhiên du khách chỉ được phép đến trại (base camp) 5.200m - điểm đầu tiên để các nhà leo núi chuyên nghiệp nghỉ ngơi và làm quen độ cao trước khi chinh phục đỉnh núi 8.848m này.
Tôi đã mơ ước được đến đây kể từ khi xem bộ phim Everest nên rất hồi hộp khi xe bắt đầu rẽ vào những hẻm núi hẹp. 16h50 phút, ánh nắng chiều vẫn bỏng rát khi tiếng lao xao của đám đông du khách khuất hẳn. Tôi kiếm một tảng đá to ngồi xuống và lấy chiếc loa nhỏ ra bật nhạc. Cả không gian chỉ có lớp sỏi lạo xạo dưới chân tôi, những dãy núi đá trơ trọi vây quanh và đỉnh Everest lấp lánh một màu tuyết trước mặt. Tôi cứ để tiếng nhạc dẫn dắt cho cả giờ đồng hồ ngắm mây trắng hết “trêu ngươi” phủ mờ ngọn núi rồi lại tan hết đi để nó hiện ra kỳ vĩ và lạnh lùng. Bao người đã tận hưởng niềm vui chiến thắng và bao người đã vĩnh viễn gửi thân dưới tuyết lạnh? Chỉ có Everest vẫn ở đó chứng kiến và kiêu hãnh với thế gian!
Tối hôm ấy tôi cùng nhóm bạn ngủ lại trong một lều của người Tạng ở khu trại này. Nếu chuẩn bị đủ quần áo ấm, thuốc chống sốc độ cao, thuốc xịt chống khô mũi và bình oxy nhỏ thì trải nghiệm này hầu như sẽ suôn sẻ với mọi du khách. Tôi đã ngủ khá ngon trong niềm hạnh phúc thực hiện được mơ ước của mình và tạm biệt Everest trong buổi sớm mà khắp nơi được cơn mưa đá đêm trước phủ lên một màu trắng bạc.
Trước khi du lịch Tây Tạng, tôi có tham khảo thông tin từ vài cuốn sách. Đây là việc nên làm bởi xứ sở này không những có bề dày lịch sử lâu đời, một nền văn hoá độc đáo mà còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về đức tin và quan niệm sống khác biệt với phần còn lại của thế giới. Trong cuốn “Mùi Hương Trầm”, tác giả Nguyễn Tường Bách từng phải thốt lên: “Những màu sắc này cống hiến cho những ai tận mắt thấy chúng, không thể mô tả bằng lời”. Và giờ tôi xin được thêm vào rằng, không chỉ màu sắc mà vẻ đẹp trên những cung đường trải khắp xứ tuyết này xứng đáng cho đôi mắt ta bận rộn chiêm ngưỡng và trái tim ta hân hoan... loạn nhịp!
Tác giả: FB Thùy Vân