AI CẬP MÙA ĐÔNG: TRẢI NGHIỆM ĐẶC QUYỀN ĐÓN GIÁNG SINH 2 LẦN

AI CẬP MÙA ĐÔNG: TRẢI NGHIỆM ĐẶC QUYỀN ĐÓN GIÁNG SINH 2 LẦN

11/11/2023

Như nhiều quốc gia châu Phi khác, Ai Cập hiện ra trong trí nhớ của tôi mang gam màu nóng bức và oi ả. Cùng với những ngôi đền cổ kính nằm ven sông Nile, những kim tự tháp hùng vĩ, ẩn chứa nhiều điều huyền bí, cùng ánh nắng vàng rực lửa và những đồi cát xa vô tận đã trở thành những điểm “chạm” đầu tiên trong ký ức của tôi về mảnh đất  ở Bắc Phi, nơi chứa đựng hàng nghìn năm văn hoá, lịch sử. Song, khi lớn lên, thông qua sách vở và các phương tiện truyền thông, tôi biết rằng cũng có lúc Ai Cập cũng đầy mát lành và dịu dàng. Đó là khi ước ao được một lần đặt chân đến vùng đất này càng thêm cháy bỏng. Tận sâu trong lòng, tôi thật sự tò mò, và mong muốn một lần được nhìn thấy sa mạc “chuyển mình”, thay lên chiếc áo dịu dàng và đầy khoan khoái khi đông đến.

 

Trải nghiệm đón giáng sinh hai lần 

 

Dường như, khi mặt trời trên sa mạc trở nên bớt chói chang, những cơn gió mát lành từ miền xa dập dìu thổi đến, con người ta cũng sẽ bắt đầu thoải mái thả mình vào những cuộc vui. Đông về, người dân Ai Cập hân hoan chuẩn bị cho lễ giáng sinh, nhưng không phải một, mà họ sẽ kỷ niệm ngày Chúa ra đời tận 2 lần trong cùng một năm. Lý do là vì người dân nơi đây sử dụng 2 loại lịch: lịch Gregory (lịch Dương) và lịch Coptic - lịch chính thức của Cơ đốc giáo Coptic, tôn giáo chính ở Ai Cập. 

 

Lần đầu tiên, cũng như tất cả các nước trên thế giới, vào ngày 24/12, qua cánh cửa quán cà phê, tôi có thể nghe thấy dư âm của câu hát “We Wish You A Merry Christmas” tràn ra đường phố và lặn mất trong tiếng còi xe ở thủ đô Cairo. Hàng quán nối đuôi nhau muôn sắc xanh, đỏ đặc trưng mùa lễ hội, trong khi đôi mắt của chị bán hàng óng ánh lên câu mời chào thức quà ngày đông: khoai lang và ngô nướng. Những củ khoai nướng tơi mềm ngon lành nom cũng giống món ăn đường phố ở quê hương Việt Nam, quen thuộc và thân thương. 

 

Song khoảnh khắc đứng giữa làn  gió lạnh tê của sa mạc, được cầm trên tay củ khoai nóng, cắn một ngụm ngập chân răng, chốc chốc thổi phù phù ly sahlab nóng hôi hổi lại là một trải nghiệm lạ lẫm đầy thích ý. Hoặc nếu không thích sữa, thì hommos el sham (đồ uống làm từ cà chua cay với đậu xanh) hay cà phê Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sưởi ấm bạn đến tận chân tơ, kẽ tóc. 

 

Tiết trời khoan khoái như vậy sẽ kéo dài đến tận một tuần sau, tức là đến ngày Giáng sinh thứ 2. Thế nhưng bầu không khí sẽ hơi khác một chút, với tôi, thì lần này Cairo bớt một chút ồn ào, thêm một chút trang trọng và nồng hậu. Bởi càng về gần giờ thiêng, đêm giáng sinh 6/1, dòng người đổ về Nhà thờ St. Mark tham dự Thánh lễ ngày càng đông, nhưng tuyệt nhiên không hề xô bồ, vồn vã. Tất cả từ từ, an lành và ấm áp. Sau buổi lễ, các gia đình dắt tay nhau ra về, rồi tận hưởng thời gian bên nhau bằng một bữa tiệc lớn sau hơn 1 tháng ăn chay. 

 

Còn riêng kẻ lữ khách là tôi đây cũng kịp nằm dài dưới ánh trăng, nhâm nhi ly cocktail, chờ đợi con tàu cập bến sông Nile để bắt đầu một hành trình mới. 

 

Cưỡi lạc đà ngắm kim tự tháp Giza & Sphinx trong những cơn gió sa mạc mùa đông

 

Ngày đông, khi ánh sáng mặt trời rọi lên những khối đá cổ kính, bức tranh tuyệt đẹp của lịch sử và văn hóa nhân loại bắt đầu hiện ra trước mắt tôi. Trong giây phút làn gió của mùa Giáng sinh mơn man khắp cơ thể, những mỏi mệt của chặng đường xa chợt biến tan vào khoảng hư không đầy cát vàng ươm của vùng sa mạc rộng lớn. 

 

Thứ gió lành lạnh, tê tê làm người ta run lên, rồi lại không nhịn được mà tham lam hít đầy khoang phổi, mặc cho nguy cơ cát sẽ trôi đầy vào mắt, mũi, môi… Khoan khoái thế nên ai mà lường được, cũng chính cơn gió này, vào mùa hè, có thể làm nóng ran da thịt của bất cứ ai cả gan không bịt kín mặt và mặc áo dài tay. Lạ lùng biết mấy, thứ gió nghìn năm tuổi, dữ dằn và đanh đá suốt mùa hè, lại chợt “hiền khô” và dễ mến khi vào đông!  

 

Gượm đã, hình như mấy chú lạc đà đang thong thả đi về đây, như rủ rê, mời gọi người lữ khách tiến sâu hơn vào quê hương xứ sở của chúng: 

 

 - Này người bạn hữu, hãy leo lên lưng tôi để nhìn rõ hơn hàng văn tự ở trên phiến đá cao ngất kia! 

 

Mùa Giáng sinh, người dân Ai Cập cũng mặc lên thân hình của những chú lạc đà những phụ kiện đậm chất Noel, cho hợp với không khí lễ hội rộn ràng. Dưới ánh nắng ban trưa, đôi mắt chú lạc đà trở nên trong suốt, sạch sẽ đến mức có thể tráng lên tấm ảnh phim kim tự tháp Giza cách xa đó mấy trăm mét. Nương theo mắt lạc đà, công trình lịch sử, kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại đến ngày nay, hiện lên với đầy đủ vẻ uy nghi, bệ vệ mà không một màn hình cảm ứng nào có thể phản chiếu lại. Cảm giác lâng lâng chẳng biết từ bao giờ lan khắp các mạch máu, lấy đà đưa cánh tay tôi mân mê bộ lông khô ráp của người bạn đồng hành hôm nay. Như được “bật đèn xanh”, cậu ta khuỵu người, hạ thấp tấm lưng rộng xuống gần mặt đất, chờ đợi tôi ngồi yên vị rồi mới từ từ đứng lên, lững thững lại gần kim tự tháp. 

 

Trái ngược với thân hình cao lớn, lạnh lùng trong suy nghĩ, chú lạc đà của tôi ngộ nghĩnh và đáng yêu hơn nhiều với chiếc mũ noel đỏ nhỏ xinh. Thi thoảng, nếu để ý, ta có thể thấy đôi tai anh chàng vẫy vẫy theo một nhịp điệu nào đó, trong khi bước chân vẫn vững như bàn thạch, từ tốn đi khắp một vòng Giza để tôi nhìn cho kỹ hết thảy từng phiến đá, vân cát. 

 

Cho đến khi lại gần Sphinx, chiếc mũi ươn ướt của chú lạc đà hếch lên, như ra hiệu cho tôi chú ý đến phần mũi bị mất đi của bức tượng nhân sư. Không chỉ tôi, mà cả lịch sử đều đặt dấu chấm hỏi thật lớn cho hiện tượng này. Rốt cuộc, tượng Sphinx bị mất đi phần mũi do tự nhiên, hay do quân đội Pháp của Napoleon vĩ đại đã bắn đứt trong cuộc xâm lăng Ai Cập, hoặc do Muhammad Sa'im al-Dahr (một người theo Hồi giáo Mật tông) đục sau khi nhìn thấy những người nông dân Ai Cập thường xuyên tổ chức lễ cúng bên dưới tượng nhân sư, hay bản thân nó đã không có mũi? Câu hỏi này, vẫn chưa ai có thể có một lời giải đáp chắc chắn, tựa như bao nhiêu câu chuyện bí ẩn khác xung quanh dải đất Ai Cập huyền diệu này.

 

Song, có một điều gần như chắc chắn, đó là bất kể nguyên nhân thực sự là gì, thì sự vắng bóng của chiếc mũi đã rót thêm cho vẻ đẹp của Sphinx sự huyền bí mà hiếm có công trình nào có thể so bì được. Để mỗi lượt lữ khách ghé ngang, là một lần ngỡ ngàng trước sự trường tồn của những công trình cổ đại, và trái tim thì không khỏi rung lên từng hồi khi lắng tai nghe những bí sử hàng nghìn năm trước, được thuật lại như chuyện mới vừa hôm qua. 

 

Bước qua chu kỳ quay mới của Trái đất tại đất nước huyền bí lịch sử nghìn năm

 

Là nền văn minh tồn tại hơn 5000 năm tuổi, Ai Cập nghiễm nhiên có riêng cho mình hơi thở của quá khứ, của lịch sử lâu đời và những công trình - cổ vật đầy bí ẩn . Nhưng Ai Cập không giậm chân mãi ở quá khứ, mà cũng lớn lên với thời gian, cùng trái tim đập chung một nhịp với thế giới. Chính vì thế, khi nhân loại khắp năm châu, bốn bể đón chào năm mới, người dân Ai Cập cũng nô nức, mừng vui với những lễ hội đánh dấu khúc giao mùa.

 

Nhưng, ở Ai Cập, dường như thời gian không chạy tới như một đường tuyến tính, mà lại tồn tại những ngã rẽ để quá khứ dễ dàng bắt kịp và đan xen vào hiện tại. Đó là thời điểm người dân rộn ràng chuẩn bị đón năm mới, và cũng vừa chuẩn bị cho lễ Giáng sinh lần thứ 2 diễn ra sau đó một tuần. Nói cách khác, ở đất nước Bắc Phi này, lễ hội năm mới nằm xen giữa hai lễ Giáng sinh, như một ngoại lệ của quy luật thời gian. 

 

Vào thời khắc giao mùa, quanh lưu vực sông Nile, nguồn năng lượng bí ẩn không thể chỉ mặt gọi tên cũng lững lờ luân chuyển. Phía Tây con sông huyền thoại, đại diện cho một thuở hoàng kim và quyền uy của nền văn minh Ai Cập cổ đại đột ngột khép mình như khiêm nhường chờ đợi từng nhịp đếm lùi của con người. 

 

Dưới gầm trời Ai Cập, kim tự tháp vẫn ôm trong lòng những bí ẩn thần diệu mà con người hiện đại vẫn “bó tay”, chưa thể tìm ra lời giải. Làm cách nào mà từ hàng ngàn năm trước, các bậc tổ phụ của dân tộc này có thể chuyển các khối đá nặng 2.5 tấn đến 16 tấn từ vùng Aswan cách xa Cairo cả ngàn cây số để dựng lên kim tự tháp Khufu? Và khi ta lấy chiều cao của kim tự tháp (146 mét) nhân với một tỷ sẽ ra khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời (~150 triệu km) là con số đã được tính toán kỹ càng hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của tạo hóa? 

 

Và giữa nơi chứa đựng sự giao thoa kỳ diệu của vũ trụ và thực tại ấy, thời gian đang trôi dần về con số 0h0p0s, đánh dấu một chu kỳ quay mới của Trái Đất. Trái tim tôi bất chợt như thắt lại, và lòng dâng lên thứ cảm xúc khó tả, khi biết mình vừa bước qua sự chuyển giao vĩ đại của tự nhiên và đất trời, và được chứng kiến những vũ khúc ánh sáng rực rỡ, ảo diệu trên nền trời đen thẫm, làm sáng bừng hậu cảnh cho những kỳ quan vĩ đại đang ngự trị sừng sững trước mặt.

 

Ngỡ như cả đời, nhưng thật ra tất thảy những điều ấy chỉ vỏn vẹn trong hơn một phút đồng hồ, vậy nên bạn có thể bỏ lỡ cơ hội ghi lại khoảnh khắc có 1-0-2 nếu mải miết đắm chìm trong không gian đầy mê hoặc này. Suýt nữa thì tôi cũng không có tấm ảnh nào vì không chống lại được sức quyến rũ của cơn mưa pháo hoa, nhưng may là anh hướng dẫn viên kinh nghiệm, đã nhanh trí “nháy” hẳn 1 album để tôi giữ làm kỷ niệm. 

 

Để đến khi trở về, lật giờ từng trang ảnh, ký ức về gió, mây, ánh sáng, và âm thanh ở Ai Cập vẫn hòa quyện vào nhau khiến tôi lâng lâng rằng: nơi tôi từng đặt chân đến, chưa bao giờ đơn thuần là một chỗ đứng, mà hơn cả, đó chính là nút giao của lịch sử và vũ trụ vạn năm. 

 

Go back to news list

Offtrack Travel - Trở về khác xưa!

Ra đời từ năm 2017, Offtrack Travel Vietnam được thành lập bởi những trái tim mê xê dịch, thích mạo hiểm và khám phá. Chúng tôi tự hào là một trong những công ty du lịch tiên phong trong việc tìm tòi và khai phá các điểm đến mới, độc và lạ, tại khắp các châu lục trên thế giới.

Mục tiêu của chúng tôi là mang trải nghiệm du lịch thực thụ, với các hành trình sáng tạo, đầy tính trải nghiệm phiêu lưu và tương tác bản địa để đem lại cho khách hàng những cảm nghiệm đáng nhớ và thực sự độc đáo, khác biệt.

Offtrack Travel - Trở về khác xưa!