DU LỊCH Ở AI CẬP, TÌM VỀ LỊCH SỬ 15 THẾ KỶ CỦA MỘT TỜ GIẤY
Khi đi du lịch ở Ai Cập, bạn sẽ được thấy tận mắt cây papyrus. Đây là một loại thực vật có hoa mọc dưới nước, rất phổ biến ở vùng Hạ Ai Cập. Cây papyrus có đặc tính là nhẹ, thân mảnh nhưng chắc, tươi lâu và dễ vận chuyển. Và vì vậy, trong suốt hơn 1.000 ở Ai Cập, không có chất liệu nào có thể thay thế được cây papyrus để dùng làm giấy.
Nhiều tài liệu cho thấy người Ai Cập đã dùng giấy papyrus từ khoảng năm 4.000 TCN đến tận thế kỷ XI SCN, tức là khoảng trong vòng 15 thế kỷ! Bên cạnh việc sử dụng để làm giấy, cây papyrus còn được dùng để dệt chiếu, làm bàn ghế, dệt các loại thảm, giỏ, dép và các vật dụng gia đình khác. Rễ cây là nguồn thức ăn, thực phẩm và nguyên liệu làm nước hoa. Ngày nay, du khách khi đi du lịch ở Ai Cập có thể tìm mua những sản phẩm độc đáo này làm quà lưu niệm.
Cây papyrus sau khi được thu hoạch sẽ được tước lớp vỏ ngoài đi. Phần lõi bên trong bắt đầu được tước thành từng lát mỏng, và tước sao cho mỗi lát có phần bản càng rộng càng tốt. Càng vào bên trong lõi thì chất lượng giấy sẽ càng tốt.
Những lát papyrus này sẽ được ngâm trong nước để loại bỏ bớt đường tự nhiên có trong thân cây. Sau đó, chúng sẽ được đập cho dập và chắt nước đi. Tiếp theo, người ta bắt đầu xếp từng lát này lại với nhau theo một chiều cố định, mỗi lát hơi chồng lên nhau để bám dính.
Sau khi đã sắp hết những lát papyrus thô này lại với nhau, người ta lại đập dập nó nó một lần nữa rồi bắt đầu quá trình phơi nắng. Khi phơi bắt buộc phải chèn một vật nặng lên trên, thường là một tảng đá, để đảm bảo giấy sau khi hong khô sẽ không bị cong. Giấy sẽ được phơi trong khoảng sáu ngày.
Chất đường có trong thân cây qua quá trình ngâm sẽ thủy phân thành chất keo tự nhiên, “dán” những lát giấy papyrus lại với nhau. Sau khi đã khô hoàn toàn, bề mặt giấy sẽ được đánh bóng bằng ngà hoặc vỏ sò. Công đoạn này giúp cho bề mặt giấy láng mịn, dễ viết hoặc vẽ lên.
Chất lượng của giấy papyrus phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vị trí mọc của cây, tuổi thọ của cây, thời điểm thu hoạch cây papyrus là vào mùa nào trong năm… Tuy nhiên, một trong những yếu tố hàng đầu để làm nên chất lượng giấy chính là lớp lõi của thân cây.
Những tấm giấy papyrus chất lượng thấp được làm từ lớp lõi ngoài thường sẽ được sử dụng để gói hàng hóa, hoặc các ghi chép thường ngày của người dân. Giấy cao cấp (được làm từ lớp lõi trong của cây) sẽ được dùng cho tầng lớp quý tộc, các ghi chép tôn giáo, v.v…
Việc phát minh và chế tạo ra giấy viết được các cư dân cổ đại xem như biểu tượng sức mạnh trí tuệ và quyền lực của người Ai Cập. Vì vậy, người Ai Cập không bao giờ chia sẻ cách làm giấy này với những kẻ ngoại bang.
Tuy nhiên, do nhận thấy nhu cầu sử dụng giấy ngày một nhiều, dân Ai Cập bắt đầu “xuất khẩu” giấy. Đáng tiếc là cho tới ngày nay, những di chỉ khảo cổ của giấy papyrus chỉ có thể được tìm thấy ở Ai Cập và Hy Lạp và một số rất ít ở châu Á và châu Âu. Lý do có thể là do điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến việc bảo quản loại giấy này.
Những di chỉ khảo cổ về văn tự và chữ viết của người cổ được ghi chép trên giấy papyrus hiện được trưng bày tại các bảo tàng ở đây. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử 15 thế kỷ của một tờ giấy, bạn đừng quên ghé thăm Bảo tàng Giấy Papyrus (Papyrus Museum) khi du lịch ở Ai Cập nhé!
Ngày nay, giấy papyrus “chuẩn Ai Cập” vẫn còn được sản xuất. Nguồn nguyên liệu là cây papyrus mọc ở những vùng nước ngọt dọc theo sông Nile. Tuy nhiên, vì cách làm công phu và nhu cầu sử dụng không còn nhiều nữa nên giấy papyrus làm ra chủ yếu cho nhu cầu nghệ thuật và mua làm quà lưu niệm của du khách khi đi du lịch ở Ai Cập.
Sưu tầm