AN TOÀN VÀ AN NINH Ở XỨ SỞ CÁC PHARAOH
Trước khi quyết định chọn tour đi Ai Cập, tôi đã đọc hết các bình luận của mọi người gửi đến trang quảng cáo du lịch của Công ty Offtrack trên Facebook, trong đó câu hỏi được nhiều người nhắc đến nhất là: "Đi Ai Cập thời gian này có an toàn không?"
Bởi lẽ, hồi cuối năm 2018 vừa rồi đã có một vụ đánh bom xẩy ra ở gần thủ đô Cairo làm thiệt mạng vài khách du lịch và một bạn HDV Việt Nam. Và tôi nhớ câu trả lời của bạn Thành Cao, người điều hành Offtrack: "Vậy bạn hãy trả lời cho tôi xem ở Việt Nam có an toàn không?" Quả là hóm hỉnh và thông minh nữa. Thế là chúng tôi quyết định đăng ký tour đi Ai Cập của Offtrack mà không băn khoăn gì thêm nữa.
Hồi hộp nhập cảnh
Khi máy bay của Hãng hàng không Ai Cập chở chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Cairo lúc hơn 6g sáng, tôi thấy không khí ở sân bay rất yên tĩnh và thanh bình. Tôi không biết lưu lượng trung bình máy bay đến/đi ở sân bay này là bao nhiêu chuyến một giờ, một ngày; cũng không biết giờ máy bay chở chúng tôi đáp xuống lúc đó có phải là giờ thấp điểm của sân bay không, chỉ biết là chuyến bay của chúng tôi cất cánh từ Thailand hôm đó gần như không còn ghế trống (một chiếc Aibus A330 chắc chở khoảng gần 250 khách).
Mọi thủ tục nhập cảnh được hoàn thành nhanh chóng trong vòng hơn 30' kể cả lấy hành lý với sự giúp đỡ của một người Ai Cập mà HDV giới thiệu với chúng tôi là "người trợ giúp cho công ty" ở sân bay. (Anh ấy cũng giúp chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh khi tour du lịch kết thúc nhưng không tham gia đi cùng với đoàn trong suốt hành trình). Sáu bàn làm thủ tục được mở cùng lúc để làm thủ tục cho các hành khách trên chuyến bay, không có chụp ảnh, không lấy dấu vân tay như khi tôi nhập cảnh vào Đài Loan và Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, chỉ kiểm tra và đóng dấu vào hộ chiếu bình thường như hồi đầu thập niên 90 khi tôi mới bắt đầu đi du lịch nước ngoài. Chỉ khác ở chỗ, mỗi khi vào bất cứ khách sạn hoặc điểm tham quan nào, những đồ đạc mang theo người đều phải đi qua máy soi, dù là nhỏ như túi xách, ba lô.
Cảnh sát - Hộ vệ - và Lặng yên
Ngoài đường phố có khá nhiều cảnh sát với nhiều loại sắc phục khác nhau, có lẽ thuộc nhiều lực lượng bảo vệ, có vũ trang đứng chốt ở các vị trí nhưng chỉ thế thôi, không dừng xe, không xét giấy tờ của người đi đường. Nét mặt họ bình thản, không có vẻ gì là căng thẳng hay dữ dằn. Nhiều anh lại khá đẹp trai nữa chứ. Chúng tôi đã được nhắc nhở là không được chụp ảnh cảnh sát hay những người đang thi hành công vụ, nhưng nếu muốn, có thể ra xin phép để được chụp ảnh cùng họ. Hình như một vài bạn trong đoàn có được tấm hình chụp với cảnh sát bảo vệ khu nhà nghỉ của tổng thống ở Montana tại thành phố Alexandria.
Duy nhất chỉ có chuyến đi đến ốc đảo Siwa, một khu vực gần như biệt lập cách Cairo chừng 700km, lại gần ngay biên giới Lybia thì đoàn được một vệ sĩ bên quân đội đi cùng. Ông này cao lớn, bụng bự, có đeo súng lục nhưng hình như không biết bơi vì khi xuống tắm ở hồ Muối lớn trong sa mạc, ông ấy cũng chỉ loanh quanh gần bờ và cũng sợ chìm như tôi dù được cam đoan là ai xuống nước cũng nổi hết. (Hoặc giả là ông ấy phải lo canh gác để đảm bảo an toàn cho đoàn chúng tôi.
Trên chặng đường đến ốc đảo Siwa có khá nhiều trạm gác, có lính canh. Xe phải dừng lại ba lần, có người lên kiểm tra hộ chiếu của từng khách một. Chỉ chuyến đi đến Siwa là không khí hơi có vẻ căng thẳng, kịch tính một tí thế thôi. Đọc tin tức trên các báo đài, tôi nghe rằng phái bên đất nước Lybia lúc này đang có nội chiến, nhưng kì thực chúng tôi chả nghe thấy tiếng súng nào vọng tới từ bên kia biên giới, chỉ cách chỗ chúng tôi hạ trại hơn 10km dù đêm sa mạc vô cùng yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió thổi, tiếng cát bay rất nhẹ bên ngoài lều.
Còn chuyến đi xuống phương Nam của Ai Cập cũng hoàn toàn bình yên dù chúng tôi cũng đã đến rất gần biên giới với Sudan khi thăm đập thủy điện Aswan và Đền Abu Simbel. Lúc này nước bạn vừa có đảo chính hồi tuần trước, biên giới với các nước láng giềng đều bị đóng cửa. Chúng tôi được nhắc là tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh. Ngay cả ở nhà máy thủy điện Aswan (High Dam) cũng thế vì công trình vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội, rất hạn chế khách du lịch đến tham quan
Các phương tiện vận chuyển ở Ai Cập cho cảm giác rất an toàn, thoải mái. Ô tô mới, điều hòa rất khỏe. Và các con đường quốc lộ liên tỉnh ở Ai Cập phần lớn đều chạy qua sa mạc. Hàng trăm cây số không một bóng người, không nhìn thấy bóng người hay vật trên đường. Chỉ sợ mỗi điều nếu xe hỏng hóc dọc đường mà chờ được cứu hộ thì chắc cả đoàn sẽ thành xác khô Ai Cập. Xe chạy toàn trên 100km/g vì đường thẳng tắp thi thoảng mới bắt gặp một chiếc xe chạy cùng chiều hoặc ngược lại. Mà đường nhựa ở Ai Cập cứ như đường băng sân bay phơi nắng ngày qua ngày mà cứ phẳng lỳ, nhẵn bóng. (Nghĩ đến những "con đường nằm nghe nắng mưa" ở Việt Nam mà sao buồn thế). Còn gì nữa: đi tầu hỏa, tuy là tầu ngồi kiểu tầu chợ.
Tác giả: Pham Le Hung (Đoàn Ai Cập 04/2019)