Tôi chỉ có gần 10 ngày ở đây, chưa hứng trọn một cơn mưa, chưa cảm hết một đêm tuyết nên những gì tôi biết về nơi này, cũng chỉ như một vốc cát trên sông Hằng, một chú bò Yak lần đầu nhìn thấy rặng Tuyết Sơn.
Hai tuần sau khi trở về từ xứ tuyết, hình ảnh rõ nét nhất còn đọng lại trong tôi là góc nhìn từ cửa chính của một ngôi nhà người Tạng. Từ cửa nhìn ra, có thể thấy đàn gia súc trong chuồng, lúa mạch phơi trên sân, chất đốt để sưởi ấm trữ trên mái; cao hơn là một góc tâm linh với những lá cờ ngũ sắc Lungta bay trong gió và cao hơn nữa là rặng Tuyết Sơn và mây trắng bồng bềnh. Tất cả mọi thứ người Tạng cần đã ở đây, ngay sau khung cửa. Bình yên cũng ở đây !
Tôi chỉ có gần 10 ngày ở đây, chưa hứng trọn một cơn mưa, chưa cảm hết một đêm tuyết nên những gì tôi biết về nơi này, cũng chỉ như một vốc cát trên sông Hằng, một chú bò Yak lần đầu nhìn thấy rặng Tuyết Sơn.
Hơi thở Phật giáo
Rất nhiều tài liệu ghi lại rằng, lịch sử Tây Tạng được bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 khi Văn Thành công chúa của nhà Đường được gả cho quốc vương Thổ Phồn (Tây Tạng xưa) Tùng Tán Cán Bố với của hồi môn là một tượng Phật Thích Ca bằng vàng ròng và 360 quyển kinh thư, kinh điển. Bù đắp cho cuộc hôn nhân sắp đặt và những tháng ngày cô quạnh nơi xứ người, đạo Phật mà công chúa mang đến Thổ Phồn (cùng với công chúa xứ Nepal) được dân chúng đón nhận và nhanh chóng trở nên hưng thịnh. Năm 1959, lịch sử Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng một lần được viết lại, cũng chính bởi người Trung Quốc, nhưng lại là những trang buồn, đầy máu và nước mắt.
Những mốc thời gian tôi nhắc lại ở đây để nói lên rằng tất cả đời sống văn hoá, lịch sử, chính trị, tôn giáo... của người Tạng gần như đều gắn liền với đạo Phật. Nếu bạn là người vô thần hay đang theo một tôn giáo khác mà không muốn mở lòng tìm hiểu thêm thì rất khó để cảm nhận hết về Tây Tạng. Bởi ngay cả những ngọn núi, những con sông hay những vật vô tri, người Tạng cũng đã phủ lên chúng những hơi thở Phật giáo.
Tôi đọc về Tây Tạng, đủ nhiều để nhớ tên những nhân vật lịch sử của vùng đất này như Tùng Tán Cán Bố, Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma hay Ban Tuyền Lạt Ma các đời… và những điển cố điển tích về họ. Khi gặp lại họ trong cung điện Potala, chùa Jokhang hay tu viện Sera, những câu chuyện và đóng góp của họ cho xứ sở này càng trở nên sống động hơn qua lời kể của anh hướng dẫn. Người Tạng tin vào thuyết “hóa thân”, với họ những con người ưu tú này vẫn đang tồn tại, dưới một hình tướng khác và vẫn đang làm tiếp sứ mệnh của mình. Cũng bởi tin thuyết hóa thân, đầu thai ở nhiều kiếp, người Tạng không bắt chim trên đồi, không ăn cá dưới sông… vì rất có thể muôn thú ấy là ông bà, người thân của mình ở tiền kiếp.
Bữa trưa ở nhà người Tạng
Đức tin dẫn lối và “di truyền” qua các thế hệ! Trên đường lang thang qua vùng Đông Nam Tây Tạng tôi bắt gặp rất nhiều bản làng với những ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ nhưng các tu viện trong vùng lại vô cùng to lớn (những tu viện lớn có đến vài ngàn tăng sĩ tu học). Ngoài lúc cày cấy hay chăn dê bò, người Tạng dành phần lớn thời gian cho việc đi lễ, hành hương, cầu nguyện.
Trên đường từ Gyangtse đi Namtso, nhóm tôi dừng ăn trưa ở một ngôi nhà truyền thống của người Tạng. Làng nằm tựa lưng vào núi, phía trước là một con sông lớn đang mùa khô nước, có chừng 300 người dân sống bằng nghề trồng lúa mạch và chăn nuôi bò sữa, bò Yak, cừu, dê...
Người Tạng xây những ngôi nhà hai tầng bằng đá, với sân rộng và chuồng gia súc bên trong. Tầng dưới làm nhà kho, nơi chứa nông cụ... bếp và các không gian sinh hoạt của gia đình đều nằm ở tầng trên. Hình khối và màu sắc của các ngôi nhà rất hài hoà với phong cảnh của miền sơn cước.
Bữa trưa cho khách có cơm trắng, thịt bò Yak xào, canh rau và cải luộc, còn chủ nhà chỉ ăn stampa (bột đại mạch) với yaourt. Sau bữa trưa, bác trai trong nhà cũng khăn gói lên rẫy. Hành trang của bác là một phích trà bơ để tiếp thêm năng lượng và giữ ấm lòng. Bác gái và hai cô con gái tiễn chúng tôi ra ngõ. Những bàn tay thô ráp nắm chặt lấy tay tôi. Bàn tay có mùi sữa, mùi phô mai, mùi phân bò khô (làm chất đốt) và cả mùi ấm áp của phúc lành. Tôi biết, người Tạng không cầu nguyện cho bản thân mình, câu đầu tiên trong lời khấn cầu của họ là cầu cho thế giới bình an, hạnh phúc !
Bình yên bên hồ Namtso
Namtso là một trong 4 hồ thiêng (thánh hồ) nổi tiếng của người Tạng nằm ở độ cao 4720m so với mực nước biển (gần gấp rưỡi đỉnh Fansipan). Chúng tôi mất 9 tiếng ngồi mòn mỏi trên xe từ Shigatse đến Namtso, kể cả thời gian ăn trưa, nên khi về đến nhà trọ ai cũng háo hức đi xuống hồ. Hơn 7 giờ tối, trời vẫn sáng dù nhiệt độ xuống âm 2 độ C và tuyết rơi rất dày. Tôi mặc đến 4 lớp áo, 1 lớp giữ nhiệt, 2 lớp áo len, 1 lớp áo cản gió bên ngoài mà vẫn thấy lạnh tê tái tâm can.
Mặt hồ đã đóng băng từ bao giờ, chỉ có mép nước gần bờ vừa tan cho đám hải âu bơi lội. Khung cảnh đìu hiu, màu trắng mờ mờ của hồ băng, núi tuyết và màu trời chỉ chênh nhau vài sắc độ. Càng gần mặt hồ nhiệt độ càng giảm, tôi không có bộ lông dày như bò Yak nên cứ run lập cập và đành về phòng sớm để... rã đông.
Sáng hôm sau, tôi ra hồ sớm. Lần này tôi gia cố thêm nhiều lớp áo quần hơn nên thấy dễ chịu hẳn. Mặt hồ buổi sáng được nhuộm bằng một màu xanh dương, hoà với màu trời. Gần bờ, đám hải âu, vịt trời bơi lội và gọi nhau lao xao nhưng không làm tan vỡ không khí bình yên bao trùm khắp không gian.
Tôi đã đi qua bao núi cao, hồ thẳm, sông dài, đã từng lặng người trước nhưng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ nhưng chưa bao giờ thấy lòng mình thênh thang như ở đây. Một khung cảnh bình yên gần như tuyệt đối! Tôi là tôi, là tất cả mà cũng là hư không.
Tôi không gọi Tây Tạng là một chuyến đi mà xem như một hành trình trở về. Về với dãy Tuyết Sơn hùng vĩ trong lòng mình, với những đức tin, những giá trị mà vì nó, mình không thể sống một cuộc đời chật hẹp.
Tháng 6. 2018
Tác Giả : Ngô Ly Kha