“ Đường đến “nóc nhà thế giới” Tây Tạng đã từng là một trở ngại lớn cho bất kì ai. Địa hình hiểm trở đã khiến cho khu vực này gần như bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Cho đến khi một tuyến đường xe lửa vượt qua bao núi cao, đồi tuyết và thung lũng thẳm sâu nối thủ phủ Lhasa với phần còn lại của thế giới.”
Ngày 1/7/2006 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi tại nhà ga thành phố Cách Nhĩ Mộc (Golmud), điểm đầu của tuyến đường sắt Thanh Tạng, tuyến tàu lửa chính thức được khánh thành và đưa vào vận hành. Sau đó, đoàn tàu đầu tiên rời Golmud chở theo 900 hành khách tiến lên Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, cách đó 1.140 km.
Thách thức lớn nhất trong thi công tuyến đường là những khu vực bị đóng băng có tính chất thiếu ổn định. Các kỹ sư công trình phải thiết kế vô số những cây cầu cạn để khắc phục tình trạng này.
Trước đây, theo tờ The Guardian của Anh Quốc, việc xây dựng tuyến đường sắt Thanh - Tạng được xem là điều không thể thực hiện, bởi nó đi qua nhiều đồi núi cao hơn 5.000 m, các thung lũng dài 12km, hàng trăm km tuyết phủ và dễ tan. Tuyến đường xe lửa này có khoảng 960 km ở độ cao trung bình 4.000 m so với mực nước biển, trong đó đỉnh cao nhất là 5.072 m, và khoảng 550m phải đi qua vùng núi tuyết. Chính vì thế, nhiều người khẳng định: “Đây là tuyến đường sắt trên cao nguyên cao nhất và dài nhất thế giới. Việc xây dựng thành công con đường này được coi là một kỳ tích.”
Tại nhiều nơi trên công trình, các công nhân tham gia xây dựng tuyến đường sắt này phải sử dụng bình dưỡng khí để chống chọi với tình trạng khó thở ở độ cao của công trường. Công trình này còn giữ một số kỷ lục khác như: Đường sắt với số đường hầm nhiều nhất thế giới với 33 đường hầm, trong đó, đường hầm Phong Hoả Sơn ở độ cao 4.905 mét là đường hầm cao nhất thế giới.
Tình trạng cách ly đặc biệt của Tây Tạng về địa lý khiến kinh tế vùng đất này nghèo nàn trong một thời gian khá dài, nhưng chính sự cách ly đó giúp bảo tồn nền văn hoá đặc trưng và lối sống không giống đâu trên thế giới này của Tây Tạng. Trước khi có đường sắt, chỉ có hai cách đến được với thủ phủ Lhasa. Đó là di chuyển bằng máy bay với chi phí khá cao. Cách thứ hai là đi trên những chuyến xe buýt chật kín người và mất nhiều ngày đêm ròng rã trên những con đường núi nguy hiểm và tổn sức. Từ khi tuyến đường sắt với tổng chiều dài 1.956 km đi vào hoạt động, khách du lịch có thêm cơ hội đi du lịch Tây Tạng với chi phí thấp và an toàn hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi tuyến đường sắt này chưa được khai trương, đã xuất hiện những lo ngại cho tương lai của công trình. Các chuyên gia về thời tiết cảnh báo rằng, hiện tượng tăng nhiệt độ của trái đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến đường này vào những năm 2050.
Ý tưởng làm đường sắt lên Lhasa được cho là đã có từ những ngăm 50s. Song, phải đến năm 1974, đoạn đầu tiên dài 814 km, nối Tây Ninh với Golmud mới được khởi công xây dựng và được đưa vào sử dụng năm 1984. Đoạn thứ hai của công trình này mới thực sự là đường lên Tây Tạng: khởi công vào tháng 6 năm 2001 và khánh thành sau hơn 05 năm xây dựng. Đoạn này dài 1.142 km đi thẳng tới Lhasa trên một độ cao có khi hơn 5.000 mét so với mực nước Biển. Đây là đoạn đường sắt cao nguyên dài nhất Thế Giới. Tàu Thanh - Tạng giữ nhiều kỉ lục từ khi được khánh thành cho tới tận ngày nay.
Nguồn : Admin Sưu Tầm